Thêm quyền sở hữu lối đi vào bất động sản
Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác”.
Hỏi: Năm 1970 cha chồng mua 7,5 công vườn trồng cây lâu năm có làm giấy mua bán được uỷ ban xã xác nhận, cha đã có bằng khoán từ năm 1970. Năm 2005, sở Địa chính tỉnh xuống đo đạc lại đất để cấp giấy chứng nhận QSDĐ mới.
Ông Giang – người có đất ở phía sau đất của cha tôi (giáp ranh đất với đất của cha chồng tôi), phải đi nhờ qua đất của cha tôi để đi ra lộ, đã được nhà nước cấp đổi bằng khoán mới vào năm 2008.- Năm 2007, cha chồng mất, không để lại di chúc. Cha mẹ có tám người con, sáu người (5 gái và 1 trai) đã làm văn bản từ chối nhận di sản thừa kế, để lại cho chồng của tôi và một người chị Tám cùng đứng tên quyền sử dụng 7,5 công vườn của cha trong một bằng khoán nhưng chưa chuyển đổi tên từ cha sang con.
Tháng 11/2012, ông Giang đã khởi kiện gia đình tôi ra toà án huyện với lý do gia đình tôi chiếm đoạt đất ông Giang (phần đất mà gia đình tôi cho ông Giang đi nhờ trước đây cho đến bây giờ với diện tích 5 x 42m mặc dù ông Giang vẫn còn lối đi khác) yêu cầu gia đình tôi trả lại đất cho ông, toà hoà giải lần thứ nhất không thành, đang chờ xét xử. Vậy chồng tôi và người chị Tám có bị mất đất không? Và làm sao để chồng tôi và chị Tám đồng sở hữu chuyển đổi tên giấy chứng nhận QSDĐ từ cha sang con?
Đặng Thanh Trang, Đồng Tháp
Trả lời
Trước hết, theo thông tin bạn đưa ra thì mặc dù gia đình có dành ra lối đi cho ông Giang với diện tích 5 x 42m, nhưng theo bằng khoán, và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) thì quyền sử dụng diện tích đất đó vẫn được công nhận là thuộc quyền sở hữu của cha chồng bạn. Mặc dù khoản 1 điều 275 bộ Luật dân sự 2005 có quy định như sau: “Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác”.
Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh theo quy định của Luật thì đây chỉ là quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề, còn quyền sở hữu đối với quyền sử dụng diện tích đất đó vẫn thuộc gia đình bạn. Mặt khác, theo trình bày thì bạn không đề cập tới vấn đề giữa gia đình bạn và ông Giang có văn bản thoả thuận nào không?
Và ngoài lối đi trên phần đất nhà bạn thì ông Giang còn có lối đi khác. Chính vì vậy, trong trường hợp ông Giang chứng minh được lối đi trên phần diện tích đất nhà bạn là lối đi “được coi là thuận tiện và hợp lý nhất” thì ông Giang được quyền yêu cầu gia đình bạn cho ông Giang sử dụng một phần diện tích để làm lối đi và trong trường hợp này gia đình bạn có quyền yêu cầu ông Giang đền bù do việc sử dụng diện tích ấy để làm lối đi. Trong trường hợp gia đình bạn chứng minh ông Giang có lối đi khác thuận tiện và hợp lý hơn lối đi trên đất nhà bạn, thì gia đình bạn có quyền từ chối yêu cầu của ông Giang.
Vấn đề thứ hai: Chuyển quyền sử dụng đất do được thừa kế. Để làm thủ tục sang tên QSDĐ (xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ) cho chồng bạn và chị Tám thì trước hết chồng bạn và chị Tám phải tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại các phòng công chứng. Phòng công chứng căn cứ vào đơn yêu cầu và hồ sơ xin khai nhận thừa kế để ra thông báo niêm yết tại trụ sở UBND xã, phường nơi có tài sản hoặc nơi cư trú cuối cùng của người chết.
Sau thời gian niêm yết, nếu không có tranh chấp, khiếu nại gì, công chứng viên sẽ lập văn bản khai nhận, phân chia di sản thừa kế theo quy định. Sau đó, căn cứ vào văn bản khai nhận, phân chia tài sản thừa kế do công chứng viên lập, chồng bạn và chị Tám thực hiện đăng ký sang tên theo quy định pháp luật.
Leave a Reply